The meaning of life
Published:
Tại sao phải sống một cuộc đời có ý nghĩa???
Con người đã sống với câu hỏi này như thế nào?
Thực ra đây là một câu hỏi chỉ thực sự trở nên được quan tâm ở thời đại ngày nay. Còn điều này có lẽ chưa bao giờ là nỗi lo của nhân loại nói chung cho đến trước thời hiện đại cả. Lý do là bởi vì phần lớn mọi người đều không có thời gian để nghĩ về nó hoặc là đã có người tạo sẵn mục đích sống cho họ rồi.
Từ thời tối cổ cho đến tận trung cổ thì nỗi lo lớn nhất của loài người vẫn là nỗi lo chết đói hoặc thậm chí bị ăn thịt , tìm mọi cách để sinh tồn - như tất cả những loài động vật khác- có lẽ luôn là mục đích sống lớn nhất của loài người. Khi con người tiến tới thời kỳ Nông nghiệp và có thể bắt đầu tích trữ của cải dưới dạng thóc lúa, hoặc các tài sản quý có tính chất quy đổi thành thóc lúa khác, đã có nhiều người hơn có chút ít thời gian để mà ngồi ngẫm nghĩ về cuộc đời mình.
Tuy nhiên, đây cũng là thời đại của các vị vua chúa và cả tôn giáo ra đời, những người lãnh đạo không chỉ về mặt tổ chức xã hội mà cả tinh thần của thời đại. Chúng ta được dạy dỗ và cả ‘ép buộc’ để sống và làm việc, thậm chí hy sinh vì lợi ích của tầng lớp ưu tú của xã hội, và những người này xác định lẽ sống cho mỗi dân tộc/ bộ lạc mà họ là người lãnh đạo. Lý tưởng này có thể là : sống theo luân thường đạo lý mà một bậc học giả uyên thâm đề ra và coi nhà vua là đấng tối cao hơn cả (như nền văn hóa Trung Hoa), hoặc sống theo thứ bậc xã hội khắt khe mà từ khi sinh ra bạn đã được định sẵn (như nền văn hóa Ấn Độ) hoặc sống theo những lời răn của Chúa mà Nhà vua và Giáo hoàng là người tối cao có thể diễn giải và đưa ra chỉ định (như các quốc gia châu Âu theo đạo Thiên Chúa) , hoặc cũng sống theo những lời răn của đức Chúa trời nhưng đại diện cao cấp nhất là các bậc Sultan (như các quốc gia theo đạo Hồi),…Bằng cách này hay cách khác, luôn có ai đó (thường được coi là thông minh, ưu tú hơn) định ra những quy tắc xã hội và lý tưởng sống cho cả một dân tộc, vùng đất. Điều này không phải là không có giá trị của nó, bởi vì để có thể duy trì một tập thể lớn hơn mức một bộ lạc nhỏ, nơi mà mỗi một cá nhân sẽ không biết phần lớn những người còn lại, chúng ta cần một niềm tin chung, một điều có thể khiến chúng ta gắn kết lại, để có thể duy trì và phát triển xã hội. Bởi vì con người về cơ bản là là ích kỷ, là nếu không thể khiến chung ta tin vào một niềm tin chung, như nhà Nhà Nước, Nhà Vua, đức Chúa Trời hay kể cả là một nền tảng đạo đức cơ bản, thì có lẽ chúng ta không thể chinh phục được những vùng đất khắc nghiệt, xây những đền đài, tạo nên các công trình công cộng hoặc thậm chí ngủ yên khi có một người hàng xóm mới đến ở.
Nhưng cái giá phải trả cũng vô cùng lớn! Khi phải sống với niềm tin mà người khác định ra, bởi vì phần lớn loài người vẫn phải ngày đêm cày cuốc ngoài đồng hoặc buôn bán qua ngày, đếm từng cắc lẻ , lo lắng cho bản thân và đám con cái khỏi chết đói, nên chúng ta đành phó thác những suy nghĩ và lý tưởng cho bậc quân vương, những học giả và giới quý tộc,.. điều đó cũng có nghĩa khi tầng lớp tinh anh gặp sai lầm, cái giá phải trả là : sinh mạng của hàng ngàn vạn người phải hi sinh trong những cuộc chiến vô nghĩa, hàng vạn nghìn người khác nữa có thể phải hy sinh mạng sống khi đối mặt với những thảm họa thiên nhiên nhưng bậc “minh quân” của họ có lẽ cũng chẳng thèm quan tâm và cứu giúp như họ lẽ ra phải và có lẽ cũng đã từng hứa làm như vậy, hay có khi ta đẩy người khác hoặc mặc kệ người khác đến chết chỉ vì họ sống khác với nếp nghĩ chung của xã hội mặc dù điều ấy xét cho cùng cũng có thể chẳng có gì là sai.
Thế rồi chúng ta tiến tời thời hiện đại. Tuy là vua chúa, tôn giáo vẫn còn và vẫn có sức ảnh hưởng nhưng đồng thời cũng là sự ra đời của vô số những công nghệ và tư tưởng mới, khiến cho những đức tin xưa cũ bị lung lay. Sức mạnh của công nghệ và khoa học kỹ thuật giải phóng sức lao động, phần lớn mọi người được học hành, tiếp xúc với hàng vạn những thông tin và kiến thức mới chỉ qua vài cái click chuột và vô số các quốc gia giờ đây quay ra ca ngợi “quyền con người” như là một chân lý mới và là chân lý tối cao, và con người, như là một cá nhân độc lập, được tôn trọng hơn bao giờ hết . Định nghĩa về “quyền con người” ở mỗi quốc gia có thể khác nhau và vẫn còn có sự gắn kết chặt chẽ với văn hóa và tôn giáo của từng quốc gia đó, tuy vậy, không thể phủ nhận là, chúng ta có nhiều thời gian cũng như không gian để ngồi nghĩ về việc: chúng ta là ai và chúng ta đến thế giới này để làm gì ?!
Sự tự do để suy nghĩ này, tuy là rất hứa hẹn và gợi mở nhưng cũng hàm chứa nhiều điều hoang mang. Khi không thể dựa vào ai đó, cái gì đó để sống cuộc đời mình nữa thì chúng ta phải dựa vào cái gì để định nghĩa cuộc sống của mình đây, và khi bạn có thể đi theo bất cứ con đường nào thì con đường nào là con đường bạn nên chọn ? Con người thật ra không giỏi khi có quá nhiều lựa chọn, chúng ta trở nên hoang mang khi phải đưa ra quyết định mà không có cái gì để dựa vào.
Thật ra phần lớn mọi người vẫn đang đi theo những gì mà đại đa số đang đi và xã hội đó đang ủng hộ. Điều này cũng không có gì là sai, nó giúp xã hội ấy vận hành trơn tru và các vị chính trị gia đỡ đau đầu và chừng nào bạn còn hài lòng với con đường bạn đang đi thì về cơ bản bạn sẽ chẳng thắc mắc gì đâu. Nhưng không phải ai cũng có chung suy nghĩ như thế. Một số có thể vì họ bị đánh bật khỏi nếp suy nghĩ chung vì một lý do nào đó khiến cho niềm tin của họ bị thách thức, một số thì tự bật ra câu hỏi rằng liệu đi theo con đường mà số đông đang đi có thực sự phù hợp với mình, một số khác thì có thể vì họ đã đạt được rất sớm những điều mà người khác phải phấn đấu cả đời và họ phải dừng lại và tự đặt câu hỏi: ơ, thế giờ thì sao, what’s next ? Dù vì lý do gì đi chăng nữa, khi không có cái gì để dựa vào thì chúng ta đều trở nên hoang mang và trăn trở. Bài toán của cuộc đời khó ở chỗ nó không có lời giải trọn vẹn và không một giáo viên nào ở đấy để nói cho bạn biết bạn đã đúng hay sai. Vậy thì rốt cuộc ý nghĩa của cuộc sống là gì ? Tại sao bạn nên sống một cuộc đời có ý nghĩa ?
Tại sao chúng ta lại đặt ra câu hỏi đó ?
Khi nghĩ về câu hỏi này, điều đầu tiên bật lên khỏi trí não tôi là : bởi vì sống một cuộc đời có ý nghĩa làm bạn thấy trọn vẹn và hài lòng sâu xa, bởi vì như thế mới là một con người đích thực, vân vân và mây mây,…Nhưng tôi muốn nghĩ về nó sâu hơn một chút, ý tôi là, tại sao chúng ta lại nảy sinh ra câu hỏi này trong trí não nhỉ ? Tại sao chúng ta không thể hài lòng với một cuộc sống đầy đủ đơn giản và cứ làm theo người khác để sống ? Điều gì khiến chúng ta không hài lòng khi làm như thế ? Khi nghĩ về điều này, tôi nghĩ rằng, chúng ta tự hỏi những câu hỏi như thế bởi vì bộ não của chúng ta được thiết kế để làm thế ! Một trong những điều khiến chúng ta tôn vinh bộ não của mình là ở chỗ: nó không chỉ phản ứng với hoàn cảnh, mà nó còn biết phân tích và đặt câu hỏi và cố gắng (hết sức) để diễn giải mọi điều quanh mình. Kể từ ngày xa xưa, khi chưa có đủ kiến thức và năng lực để giải thích về thiên nhiên và những điều kì bí quanh mình, loài người đã luôn cố gắng giải thích về thế giới, dù rằng (bây giờ khi nhìn lại) chúng có vẻ vô lý đến thế nào đi chăng nữa. Chẳng hạn: chúng ta thần thánh hóa các đối tượng thiên nhiên hùng vĩ thành: đất Mẹ, thần Mặt trời, thần Sấm, thần Sông,…để giải thích cho sự ra đời và tồn tại của chúng, chúng ta cũng giải thích cho sự ra đời của loài người như là thành quả của các vị thần hay chúng ta là con cháu của các bậc thần thánh (có thể là để tự nâng tầm mình lên). Tất cả những điều mà ta có thể nghĩ đến, chúng ta đều gắn cho nó một ý nghĩa nhất định (cho dù có đúng hay không) và khi không phải nghiền ngẫm về bữa ăn tiếp theo, về mùa màng đồng ruộng, hay về việc phải lấy bằng được vợ/chồng và có đủ hai đứa con hay phải mua bằng được nhà và sắm cái xe oto, chúng ta đâm ra suy ngẫm về cuộc đời mình, không thể nào mình, với một đống khả năng và quyền lợi của một giống loài xuất sắc, ta lại sống mà không có một ý nghĩa gì cả. Như thế thì vô lý quá, như thế chẳng có ý nghĩa gì cả !!!.. Nhưng mà rốt cuộc thì tại sao thì nó phải có một ý nghĩa hả bạn ? Có khi nào suy nghĩ về ý nghĩa chỉ là một suy nghĩ thái quá của chính chúng ta thì sao ?! Nếu nhân loại từng để ý nghĩa về việc sống theo ý Chúa trời hay nhà vua đẩy chúng ta vào những cuộc chiến tranh tôn giáo hay sắc tộc vô nghĩa thì nếu không cẩn thận, chúng ta cũng có thể đẩy ý nghĩa về việc sống ý nghĩa tự làm hại cuộc sống của chính mình. Cuộc sống có vô số những điều ngẫu nhiên, những vận may và vận rủi đan xen, và trong nhiều trường hợp chúng ta không thể lý giải được, nếu cứ mải mê ngẫm nghĩ về nó thái quá, chúng ta có thể dẫn đến việc bị chính những suy nghĩ của mình hành hạ, rồi hoặc là đâm ra tự trách bản thân thái quá hoặc ngược lại đổ lỗi cho hoàn cảnh và xã hội.
Ý của tôi là, có lẽ ý nghĩa cuộc sống có thể không phải là điều gì to tát cho lắm, hoặc có thể cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì, hoặc ý nghĩa của cuộc sống chỉ đơn giản là được sống mà thôi, như tất cả các loài vật khác vẫn đang làm vậy. Vậy nên cũng bình thường thôi khi người ta sống một cuộc đời mà không suy nghĩ về nó, cũng là bình thường thôi khi bạn không biết nó là gì, và cũng là bình thường thôi khi mà ý nghĩa cuộc sống của bạn thay đổi.
Vậy chúng ta phải làm gì với câu hỏi đó?
Khi bạn thực sự làm chủ cuộc đời của mình cũng tức là không có ai có thể định nghĩa thay bạn cách bạn phải sống cuộc đời mình như thế nào hay bạn nên lấy cái gì làm ý nghĩa hay là sống thế nào mới là sống đúng. Nhưng nói vậy thôi, làm gì có ai sống trên đời mà không bị ảnh hưởng bởi ai đó hay điều gì đó. Những suy nghĩ của chúng ta được hình thành từ kinh nghiệm, từ hoàn cảnh, từ những người ta đã gặp và cách chúng ta nhìn nhận về mỗi điều xảy ra với ta. Vì vậy, câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, kể cả khi ta tự nhận thức là nó không phải điều gì to tát lắm, vẫn tự động bật lên trong đầu, đôi khi hành hạ chúng ta khi ta tự nhận thấy mình sống vô nghĩa quá, và chúng ta cũng cứ tìm kiếm nó, bằng cách học hỏi và lắng nghe từ người khác và cả tự nghiệm về cuộc sống của mình, và mỗi khi ta thấy mình sống thật ý nghĩa, ta vẫn vui mừng và hạnh phúc không sao tả được.
Dĩ nhiên là tôi không thể nói cho bạn ý nghĩa cuộc sống của bạn là gì, vì câu trả lời này thuộc về mỗi cá nhân và mỗi người sẽ có định nghĩa riêng của mình về nó. Rốt cuộc, tôi cũng chỉ là một đứa ất ơ ở trên mạng, tôi biết gì về cuộc sống của bạn đâu mà nói được là bạn nên sống thế nào để cảm thấy có ý nghĩa cơ chứ, nhưng tôi có một vài ý kiến mà bạn có thể tham khảo như thế này:
- Cũng như tôi, kể cả những người tài giỏi và thành công trong cuộc sống này, họ cũng chả biết gì về bạn, họ cũng có hoàn cảnh và cuộc sống khác bạn vậy nên điều khiến cuộc sống của họ có ý nghĩa có thể chả liên quan gì đến ý nghĩa cuộc sống của bạn cả, kể cả khi nghe về những điều đó, bạn thấy có lý đến thế nào đi chăng nữa. Bạn có thể tham khảo cách sống và cách nhìn nhận của người khác, nhưng nếu bạn lấy lý tưởng của người khác hoặc thậm chí lấy người khác làm mục đích sống cho mình thì hãy lường trước khả năng rằng: 1. Bạn có thể thấy rằng mặc chiếc áo của người khác là quá chật/ hay quá rộng đối với mình. 2. Người ta có thể làm bạn hoàn toàn thất vọng trong tương lai vì không ai có nghĩa vụ phải sống vì niềm tin và mong đợi của người khác cả, họ cũng sống vì chính những động lực của bản thân họ mà thôi.
- Cũng bình thường thôi nếu bạn chưa tìm ra mục đích cuộc sống của mình và có lẽ không phải lo lắng quá về điều đó. Có rất nhiều câu hỏi trong cuộc sống này và bạn có thể sắp xếp vài câu hỏi để trả lời sau. Tôi nghĩ là nếu ý nghĩa của cuộc sống của bạn là do bạn và chỉ bạn định nghĩa được vậy thì đầu tiên bạn phải hiểu về bản thân mình đã, và đây là một câu hỏi cũng không hề đơn giản. Vài năm trước đây thôi, khi tôi còn trẻ trâu hơn, tôi cũng khao khát với việc được là chính mình, sống cuộc đời mà mình lựa chọn nhưng tôi còn không biết là tôi cũng chẳng hiểu gì mình cho lắm và có rất nhiều những bẫy nhận thức mà tôi còn không biết là mình mắc phải. Chỉ khi có thể sắp xếp để hiểu thêm được về bản thân mình, tôi mới thấy thanh thản hơn chút và nhìn rõ hơn một chút về con đường mà mình muốn đi.
- Và cũng bình thường thôi nếu ý nghĩa cuộc sống của bạn thay đổi. Bạn có thể từng nghĩ bạn sẽ làm một công việc gì đó cả đời vì đó là đam mê của bạn nhưng rồi cũng chính công việc ấy làm bạn chán ngán đến chết, bạn cũng có thể ao ước sống với ai đó cả đời những rồi bạn thấy đam mê của mình vụt tắt hoặc người đó làm cho bạn thấy tan nát, bạn cũng có thể luôn khao khát những vùng đất mới nhưng rồi lại nhận thấy mình chỉ muốn ở nhà,…Tất cả mọi điều trong cuộc sống đều thay đổi, kể cả bản thân bạn, vậy thì có lẽ ý nghĩa cuộc sống của bạn cũng vậy, nó thay đổi khi bạn thay đổi, nó “tiến hóa” cùng với bạn. Vậy điều gì phân biệt một thứ là suy nghĩ thoáng qua hay là một điều sâu sắc bạn nên theo đuổi hoặc một tín hiệu từ vũ trụ nói cho bạn ? Tôi ước gì có thể trả lời câu hỏi này. Tôi chỉ có thể nói rằng nếu có điều gì đó bạn không thể ngừng nghĩ về, thì có lẽ bạn nên cho nó một cơ hội.
- Điều gì cấu thành nên ý nghĩa cuộc sống của một người ? Tôi nghĩ cái này bắt đầu và kết thúc chỉ bởi một từ : bạn! Thế còn khúc giữa là gì ? Còn ai biết nữa ngoài bạn đây?!.. Bạn muốn vẽ nên bức tranh cuộc đời mình như thế nào từ những nguyên liệu mà bạn đang có ? Điều gì nhất định phải có và điều gì có thể bỏ qua, điều gì bạn muốn thay đổi và điều gì bạn muốn giữ lại, điều gì bạn có thể tự làm, điều gì bạn cần sự giúp đỡ, ai bạn nghĩ có thể tin tưởng và ai thì không, điều gì bạn có thể kiểm soát và điều gì thì bạn không… Hãy đặt câu hỏi và hãy bắt đầu làm gì đó dù nhỏ thôi, thay đổi câu hỏi và bắt đầu lại nếu cần thiết vì bạn là người thiết kế và cũng là nhân vật chính của cuộc đời mình.
- Điều cuối cùng, ý nghĩa cuộc sống không cần phải là điều gì quá to tát cả, bởi vì tại sao nó lại phải to tát cơ chứ ? Thật sự, chỉ cần bạn sống tốt cuộc sống của mình thôi thì đã có rất nhiều tổ chức cứu trợ hay những nhà nhân đạo không có việc gì để làm rồi. Tôi không phản đối gì việc sống vì người khác hay những người có lý tưởng cao đẹp vì nhân loại, điều này thật đẹp đẽ và tử tế, nhưng rốt cuộc chúng ta chỉ có thể cảm thấy hài lòng thật sự nếu điều đó xuất phát từ mong muốn của chính mình thôi, kể cả là mong muốn giúp đỡ người khác đi nữa. Những điều nhỏ bé cũng có ý nghĩa của chính nó, đừng tự ti chỉ vì ý nghĩa cuộc sống của bạn không to bằng cái đình khi so sánh với người khác, nó có ý nghĩa với bạn, thế là đủ.