Kiến thức (1)

Published:

Học

Kiến thức càng nhiều, biết càng ít

Tôi không biết gì, nên biết được tất cả

Không biết gì nghĩa là không dính mắc

Việc biết thì không khó, nhưng biết mà không dính mắc vào thì cực khó.

Ngày xưa lúc còn đang học tiểu học, nếu bạn gặp phương trình sau đây:

x = x + 1

thì phương trình đó là phương trình vô nghiệm. Mặc dù kiến thức nào cũng sẽ có chu kỳ bán rã (Half-life of knowledge) của riêng nó, tuy nhiên kiến thức về phương trình bậc nhất là kiến thức cực khó bị lỗi thời nên trong những ngày đầu tiên học về ngôn ngữ lập trình, tôi đã có một giai đoạn cảm thấy rất khó hiểu khi nhìn thấy dòng code sau:

x = x + 1

Và âu hỏi mà tôi luôn thắc mắc là tại sao chương trình vẫn chạy được, mặc dù nó là vô nghiệm?

<–cười–>

Cho đến khi học được một thời gian thì tôi mới nhận ra câu hỏi này khá là ngớ ngẩn, vì biểu diễn của chúng là như nhau nhưng bản chất thì hoàn toàn khác nhau, một cái là phương trình bậc nhất và một cái là phép gán (assignment).

Đối với tôi, đây là một bài học rất lớn, nó nói lên rằng tốc độ tiếp thu kiến thức mới tỷ lệ thuận với khả năng giảm thiểu sự dính mắc với mọi kiến thức cũ. Hay nói cách khác, dính mắc nghĩa là có tâm bệnh (mental illness), tâm bệnh càng nặng thì tiếp thu kiến thức mới càng khó. Đó là lý do mà những đứa trẻ học rất nhanh về mọi thứ, còn hầu hết người lớn thì không.

Nếu bạn không thích dùng từ dính mắc mà muốn dùng những từ ngữ mang tính chuyên môn hơn có thể tham khảo khái niệm tương đương về Learn, Unlearn, Relearn nhé ạ.

Kỹ (Arts)

Giả sử rằng bạn đang giương cung với một cây cung và bạn ý thức rằng bạn đang giương cung khi bạn đang đang giương cung, thì khi đó khả năng ngắm bắn của bạn sẽ trở nên bất nhất và mất đi sự vững vàng. Khi bạn vung kiếm, nếu như bạn ý thức rằng (conscious) bạn đang vung kiếm, đường kiếm của bạn sẽ không ổn định. Khi bạn viết, nếu như bạn ý thức bạn đang viết, ngòi bút của bạn sẽ không vững vàng. Khi bạn chơi đàn, nếu như bạn ý thức bạn đang chơi, giai điệu sẽ lụi tàn. Khi bạn học, nếu như bạn ý thức bạn đang học, việc học sẽ không còn hiệu quả.

Khi một cung thủ quên đi cái ý thức về việc giương cung và bắn với một tâm bình thường, như thể bị bỏ trống, cây cung sẽ vững vàng. Khi sử dụng kiếm hay cưỡi ngựa cũng vậy, bạn không cầm kiếm hay cưỡi ngựa .Và bạn không viết, bạn không chơi nhạc và bạn cũng không học. Khi bạn làm một thứ gì đó ở trạng thái tâm bình thường, như thể hoàn toàn trống không, thì mọi thứ sẽ tiến hành dễ dàng và nhẹ nhàng.

Nghiệp lực

Dính mắc vào kiến thức không những cản trở bạn trong việc tiếp thu kiến thức mới mà còn tham gia tạo dựng cho bạn một hệ thống định kiến, phân biệt, phóng chiếu tâm thức ra bên ngoài. Tất nhiên điều đó cũng không sao, hãy tự trải nghiệm rồi chúng ta sẽ rút ra được bài học cho riêng mình.